Theo định luật bảo toàn khối lượng, số nguyên tử mỗi nguyên tố trong các chất trước và sau phản ứng được giữ nguyên, tức là bằng nhau. Dựa vào đây và với công thức hóa học ta sẽ lập phương trình hóa học để biểu diễn phản ứng hóa học.
Và cách cân bằng phương trình hóa học chính là một trong những bước quan trọng nhất của việc lập phương trình hóa học. Bài này chúng ta cùng tìm hiểu cách lâp phương trình hóa học, cách cân bằng phương trình hóa học và ý nghĩa của phương trình hóa học.
» Bài tập Phương trình Hoá học: Giải bài 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 trang 57, 58 SGK Hóa 8 bài 16
I. Cách cân bằng phương trình hóa học, các bước lập phương trình hóa học
1. Phương trình hóa học là gì?
• Phương trình hóa học là sự biểu diễn phản ứng hóa học bằng các công thức hóa học.
• Phương trình hóa học cho ta biết:
- Các chất phản ứng và chất sản phẩm tạo thành
- Tỉ lệ số nguyên tử, phân tử các chất trong phản ứng. Tỉ lệ này đúng bằng hệ số của mỗi chất trong phương trình.
* Ví dụ: Phương trình hóa học:
2H2 + O2 → 2H2O
- Các chất phả ứng là: H2 và O2
- Các chất sản phẩm tạo thành là: H2O
- Tỉ lệ số phân tử H2 : phân tử O2 : số phân tử H2O là: 2:1:2
2. Các bước cân bằng phương trình hóa học, cách lập phương trình hóa học
Để lập phương trình hóa học ta thực hiện 3 bước như sau:
• Bước 1: Viết sơ đồ phản ứng dưới dạng công thức hóa học.
• Bước 2: Đặt hệ số để số nguyên tử của mỗi nguyên tố ở vế trái (VT) bằng vế phải (VP).
Ở bước này, chúng ta tường sử dụng phương pháp "Bội chung nhỏ nhất" để đặt hệ số:
- Chọn nguyên tố có số nguyên tử ở hai vế chưa bằng nhau và có số nguyên tử nhiều nhất (cũng có trường hợp không phải vậy).
- Tìm bội chung nhỏ nhất của các chỉ số nguyên tử nguyên tố đó ở hai vế, đem bội chung nhỏ nhất chia cho chỉ số thì ta có hệ số.
• Bước 3: Hoàn thành phương trình phản ứng.
> Lưu ý: Không được thay đổi các chỉ số nguyên tử của các công thức hoá học trong quá trình cân bằng.
* Ví dụ 1: Lập phương trình hóa học cho phản ứng hóa học sau:
photpho + oxi → điphotpho pentaoxit (P2O5)
> Lời giải:
+ Bước 1: Sơ đồ của phản ứng: P + O2 → P2O5
+ Bước 2: Đặt hệ số thích hợp trước từng công thức.
Ta thấy số nguyên tử P và O đều không bằng nhau, nhưng nguyên tố oxi có số nguyên tử nhiều hơn. Ta bắt đầu từ nguyên tố này. Trước hết làm chẵn số nguyên tử O ở bên phải, đặt hệ số 2 trước P2O5 ta được:
P + O2 → 2P2O5
Bên trái cần có 4P và 10O hay 5O2, các hệ số 4 và 5 là thích hợp
+ Bước 3: Viết phương trình hóa học:
4P + 5O2 → 2P2O5
* Ví dụ 2: Lập phương trình hóa học cho phản ứng hóa học sau:
Bari + nước → Bari hidroxit (Ba(OH)2) + Hidro
> Lời giải:
• Bước 1: Viết sơ đồ phản ứng, gồm công thức hóa học của các chất tham gia và chất sản phẩm.
Ba + H2O → Ba(OH)2 + H2
• Bước 2: Cân bằng số nguyên tử mỗi nguyên tố ở vế trái (VT) bằng vế phải (VP).
- Bên phải số nguyên tử O là 2, nguyên tử H là 4 còn ở vế bên trái trong phân tử nước số nguyên tử O là 1, nguyên tử H là 2. Tức là số nguyên tử O, H ở vế phải gấp 2 lần vế trái
⇒ Cần thêm hệ số 2 vào trước phân tử nước ở vế trái.
- Sau khi thêm hệ số ta thấy số nguyên tử Ba, O, H ở 2 vế bằng nhau.
Vậy phương trình đã cân bằng xong.
• Bước 3: Viết thành phương trình hóa học.
Ba + 2H2O → Ca(OH)2 + H2
II. Ý nghĩa phương trình hóa học
• Phương trình hóa học cho ta biết tỉ lệ về số nguyên tử, số phân tử giữa các chất cũng như từng cặp chất trong phản ứng. Tỉ lệ này bằng đúng tỉ lệ hệ số mỗi chất trong phương trình.
* Ví dụ: Phương trình hóa học:
Ba + 2H2O → Ca(OH)2 + H2
- Ở phản ứng trên, tỉ lệ số nguyên tử Ba : số phân tử H2O : số phân tử Ca(OH)2 : số phân tử H2 = 1:2:1:1
Hiểu là cứ 1 nguyên tử Ba sẽ tác dụng với 2 phân tử H2O tạo ra 1 phân tử Ba(OH)2 và giải phóng 1 phân tử H2.
Như vậy, đến đây các em đã hiểu phương trình hóa học là gì? cách lập phương trình hóa học ra sao? cách cân bằng phương trình hóa học như thế nào? và ý nghĩa của phương trình hóa học. Nếu có câu hỏi hay góp ý các em hãy để lại bình luận dưới bài viết nhé, chúc các em thành công.