Bài tập số phần tử của tập hợp, tập hợp con - Toán 6 bài 4

21:18:3016/07/2021

Các em đã biết một tập hợp có thể không có phần tử nào (tập rỗng), có 1 phần tử, có 2 phần tử hoặc có vô số phần tử, và biết thế nào là tập hợp con và hai tập hợp bằng nhau.

Bài viết này chúng ta sẽ vận dụng giải một số bài tập về số phần tử của tập hợp, tập hợp con.

Lý thuyết Số phần tử của tập hợp, tập hợp con

* Bài 16 trang 13 sgk Toán 6 Tập 1: Mỗi tập hợp sau có bao nhiêu phần tử?

a) Tập hợp A các số tự nhiên x mà x - 8 = 12

b) Tập hợp B các số tự nhiên x mà x + 7 = 7

c) Tập hợp C các số tự nhiên x mà x . 0 = 0

d) Tập hợp D các số tự nhiên x mà x . 0 = 3

> Lời giải:

a) Ta viết A = {x ∈ N | x – 8 = 12}.

 x – 8 = 12 ⇒ x = 8 + 12 ⇒ x = 20 ∈ N.

Vậy A = {20}, A có một phần tử là 20.

b) Ta viết B = {x ∈ N | x + 7 = 7}

 x + 7 = 7 ⇒ x = 7 – 7 ⇒ x = 0 ∈ N.

Vậy B = {0}, B có một phần tử là 0.

c) Ta viết: C = {x ∈ N | x.0 = 0}.

Vì mọi số tự nhiên nhân với 0 đều bằng 0.

Nên C = N = {0, 1, 2, 3, 4, 5,...}, C có vô số phần tử.

d) Ta viết D = {x ∈ N| x.0 = 3}.

Vì mọi số tự nhiên nhân với 0 đều bằng 0.

Nên không có số tự nhiên nào nhân với 0 bằng 3.

Vậy D = ∅, tức là D không có phần tử nào.

* Bài 17 trang 13 sgk Toán 6 Tập 1: Viết các tập hợp sau và cho biết mỗi tập hợp có bao nhiêu phần tử?

a) Tập hợp A các số tự nhiên không vượt quá 20

b) Tập hợp B các số tự nhiên lớn hơn 5 nhưng nhỏ hơn 6

> Lời giải:

a) Các số tự nhiên không vượt quá 20 tức là các số tự nhiên ≤ 20.

Do đó: A = {0, 1, 2, 3, ... , 19, 20}

Vậy A có 21 phần tử.

b) Giữa hai số liên tiếp nhau 5 và 6 không có số tự nhiên nào.

Do đó: B = ∅

Vậy B không có phần tử nào.

* Bài 18 trang 13 sgk Toán 6 Tập 1: Cho A = {0}. Có thể nói A là tập hợp rỗng hay không?

> Lời giải:

- Ta có A = {0} nên A có một phần tử là 0.

- Tập rỗng là tập hợp không có phần tử nào, mà A có một phần tử nên tập hợp A khác tập rỗng (viết là A ≠ ∅).

Nghĩa là: KHÔNG thể nói A là tập rỗng.

* Bài 19 trang 13 sgk Toán 6 Tập 1: Viết tập hợp A các số tự nhiên nhỏ hơn 10, tập hợp B các số tự nhiên nhỏ hơn 5 rồi dùng kí hiệu ⊂ để thể hiện quan hệ giữa hai tập hợp trên.

> Lời giải:

- Các số tự nhiên nhỏ hơn 10 là 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9.

Do đó viết A = {0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9}.

- Các số tự nhiên nhỏ hơn 5 là 0, 1, 2, 3, 4.

Do đó viết B = {0, 1, 2, 3, 4}.

- Nhận thấy tất cả các phần tử của tập hợp B đều thuộc tập hợp A (0 ∈ A, 1 ∈ A, 2 ∈ A, 3 ∈ A, 4 ∈ A). Do đó:

 Tập hợp B là con tập hợp A (tập B chứa trong tập A hay tập A chứa tập B) ta viết B ⊂ A.

* Bài 20 trang 13 sgk Toán 6 Tập 1: Cho tập hợp A = {15 ,24}. Điền kí hiệu ∈, ⊂, = vào ô vuông cho đúng:

a) 15 [] A

b) {15} [] A

c) {15,24} [] A.

> Lời giải:

+ Nhận xét: tập hợp A = {15, 24} là tập hợp có hai phần tử là 15 và 24.

 15 là một phần tử của A. Ta viết 15 ∈ A.

{15} là tập hợp có một phần tử 15, mà 15 ∈ A. Vậy {15} ⊂ A.

{15, 24} là một tập hợp có hai phần tử là 15 và 24. Ta viết {15,24} = A.

Trên đây là hướng dẫn giải một số bài tập vận dụng nội dung lý thuyết số phần tử của một tập hợp, tập hợp con. Hy vọng qua bài viết có thể giúp các em đã hiểu rõ và vận dụng giải được các bài tập liên quan thật tốt.

Đánh giá & nhận xét

captcha
Bài viết khác