Mức hoạt động hoá học khác nhau của các kim loại được thể hiện như thế nào? Có thể dự đoán được phản ứng của kim loại với chất khác hay không?
Bài viết này sẽ giúp các em hiểu: Dãy hoạt động hoá học của kim loại là gì? và y nghĩa của dãy hoạt động hoá học của kim loại.
» Giải bài tập Hóa 9 bài 17: Giải bài 1, 2, 3, 4, 5 trang 54 SGK Hoá 9 bài 17
I. Dãy hoạt động hoá học của kim loại là gì?
- Dãy hoạt động hóa học của kim loại là dãy các kim loại được sắp xếp theo chiều giảm dần mức độ hoạt động hóa học của chúng.
- Dãy hoạt động hoá học của một số kim loại:
K > Na > Ca > Mg > Al > Zn > Fe > Ni > Sn > Pb > H > Cu > Hg > Ag > Pt > Au
- Kim loại mạnh tan trong nước: K, Na, Ca
- Kim loại trung bình, KHÔNG tan trong nước: Mg, Al, Zn, Fe, Ni, Sn, Pb
- Kim loại yếu, không tan trong nước: Cu, Hg, Ag, Pt, Au
• Gợi ý cách học thuộc và dễ nhớ dãy hoạt động hoá học của kim loại
- Đối với dãy điện hoá trên các em có thể đọc như sau:
Khi (K) Nào (Na) Cần (Ca) Mua (Mg) Áo (Al) Záp (Zn) Sắt (Fe) Nhìn (Ni) Sang (Sn) Phải (Pb) Hỏi (H) Của (Cu) Hàng (Hg) Á (Ag) Phi (Pt) Âu (Au)
II. Ý nghĩa của dãy hoạt động hóa học của kim loại
1. Mức độ hóa học của các kim loại giảm dần từ trái sang phải
⇒ Kali (K) là kim loại hoạt động mạnh nhất và Vàng (Au) là kim loại hoạt động kém nhất.
2. Kim loại đứng trước Mg (K, Ba, Na, Ca) phản ứng được với nước ở nhiệt độ thường.
2Na + 2H2O → 2NaOH + H2↑
Ba + 2H2O → Ba(OH)2 + H2↑
3. Kim loại đứng trước H tác dụng với dung dịch axit (HCl; H2SO4 loãng,….) tạo ra H2
Fe + 2HCl → FeCl2 + H2↑
Cu + 2HCl → không phản ứng (vì Cu đứng sau H)
4. Kim loại không tan trong nước (từ Mg trở về sau) đẩy được kim loại đứng sau nó ra khỏi dung dịch muối
Fe + CuSO4 → FeSO4 + Cu
Cu + 2AgNO3 → Cu(NO3)2 + 2Ag
> Chú ý: Khi cho Na vào dung dịch CuCl2 thì:
♦ Na phản ứng với nước trước:
2Na + 2H2O → 2NaOH + H2↑
♦ Sau đó xảy ra phản ứng:
CuCl2 + 2NaOH → Cu(OH)2↓ + 2NaCl
Trên đây KhoiA.Vn đã giới thiệu với các em về Dãy hoạt động hoá học của kim loại là gì? Ý nghĩa của dãy hoạt động hoá học kim loại Hoá 9 bài 17. Hy vọng bài viết giúp các em hiểu rõ hơn. Nếu có câu hỏi hay góp ý các em hãy để lại bình luận dưới bài viết, chúc các em thành công.