Sau khi học bài Thuyết electron, Định luật bảo toàn điện tích, các em đã biết cấu tạo nguyên tử về phương diện điện, điện tích nguyên tố. Biết sự nhiễm điện do tiếp xúc, sự nhiễm điện do hưởng ứng và định luật bảo toàn điện tích.
Nội dung bài viết này các em sẽ vận dụng kiến thức lý thuyết ở trên để giải một số bài tập Thuyết electron, Định luật bảo toàn điện tích: Giải bài 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 trang 14 SGK Vật lí 11 bài 2. Qua đó rèn luyện được kỹ năng giải bài tập đồng thời giúp ghi nhớ kiến thức lý thuyết tốt hơn.
• Lý thuyết Vật lí 11 Bài 2: Thuyết Electron. Định luật bảo toàn điện tích
* Bài 1 trang 14 SGK Vật Lý 11: Trình bày nội dung của thuyết êlectron
> Lời giải:
- Thuyết Electron là thuyết dựa vào sự cư trú và di chuyển của các electron để giải thích các hiện tượng điện và các tính chất điện của các vật.
- Trong một số điều kiện, nguyên tử có thể mất electron và trở thành ion dương. Nguyên tử cũng có thể nhận thêm electron và trở thành ion âm.
* Bài 2 trang 14 SGK Vật Lý 11: Giải thích hiện tượng nhiễm điện âm của một quả cầu kim loại do tiếp xúc bằng thuyết êlectron
> Lời giải:
- Khi cho quả cầu kim loại tiếp xúc với một vật nhiễm điện âm thì một phần trong số electron ở kim loại truyền sang quả cầu cho đến khi điện tích hai vật cân bằng. Do đó sau khi tiếp xúc với vật nhiễm điện âm thì quả cầu kim loại cũng sẽ nhiễm điện âm vì bị thừa electron.
* Bài 3 trang 14 SGK Vật Lý 11: Trình bày hiện tượng nhiễm điện do hưởng ứng và giải thích hiện tượng đó bằng thuyết êlectron.
> Lời giải:
• Hiện tượng nhiễm điện do hưởng ứng:
- Đưa quả cầu A nhiễm điện dương lại gần đầu M của thanh kim loại MN trung hòa về điện. Đầu M nhiễm điện âm, đầu N nhiễm điện dương. Nếu đưa quả cầu A ra xa thì thanh kim loại MN trở lại trạng thái trung hòa về điện .
• Giải thích:
- Điện tích dương ở quả cầu A sẽ hút các êlectron tự do trong thanh kim loại MN về phía nó. Vì vậy, ở đầu M gần quả cầu A sẽ thừa êlectron nên nhiếm điện âm, còn đầu N thiếu êlectron nên nhiễm điện dương.
- Khi đưa quả cầu A ra xa thì không có lực tương tác tĩnh điện nên các điện tích sắp xếp một cách mất trật tự và thanh MN trở về trạng thái trung hòa về điện.
* Bài 4 trang 14 SGK Vật Lý 11: Phát biểu định luật bảo toàn điện tích và vận dụng để giải thích hiện tượng xảy ra khi cho một quả cầu nhiễm điện dương tiếp xúc với một quả cầu tích điện âm.
> Lời giải:
• Định luật bảo toàn điện tích:
- Trong một hệ cô lập về điện, tổng đại số các điện tích là không đổi.
• Khi cho quả cầu nhiễm điện dương tiếp xúc với một quả cầu tích điện âm thì sau khi tiếp xúc hai quả cầu sẽ có thể cùng nhiễm điện dương hoặc cùng nhiễm điện âm,hoặc sẽ trung hòa về điện.
• Giải thích: Có thể xem hai quả cầu là hệ cô lập về điện và sau khi tiếp xúc các quả cầu sẽ nhiễm điện giống nhau, nên nếu tổng đại số của hai quả cầu:
- Là một số dương thì sau khi tiếp xúc hai quả cầu sẽ nhiễm điện dương
- Là một số âm thì sau khi tiếp xúc hai quả cầu sẽ nhiễm điện âm
- Bằng 0 thì sau khi tiếp xúc hai quả cầu sẽ trung hòa về điện
* Bài 5 trang 14 SGK Vật Lý 11: Chọn câu đúng.
Đưa một quả cầu tích điện Q lại gần một quả cầu M nhỏ, nhẹ, bằng bấc, treo ở đầu một sợi chỉ thẳng đứng. Quả cầu bấc M bị hút dính vào quả cầu Q .Sau đó thì
A. M tiếp tục bị hút vào Q
B. M rời Q và vẫn bị hút lệch về phía Q
C. M rời Q về vị trí thẳng đứng
D. M bị đẩy lệch về phía bên kia
> Lời giải:
• Chọn đáp án: D.M bị đẩy lệch về phía bên kia
- Đầu tiên M bị hút dính vào Q do hiện tượng nhiễm điện hưởng ứng. Khi dính vào Q nó lại bị nhiễm điện tiếp xúc với Q nên M và Q bị nhiễm điện giống nhau và bị đẩy ra xa.
* Bài 6 trang 14 SGK Vật Lý 11: Đưa một quả cầu Q tích điện dương lại gần đầu M của một khối trụ kim loại MN
Tại M và N sẽ xuất hiện các điện tích trái dấu. Hiện tượng gì sẽ xảy ra nếu chạm tay vào điểm I trung điểm của MN?
A. Điện tích ở M và N không thay đổi
B. Điện tích ở M và N mất hết
C. Điện tích ở M còn, ở N mất
D. Điện tích ở M mất, ở N còn
• Lời giải:
• Chọn đáp án: A. Điện tích ở M và N không thay đổi
- Vì các điện tích tập trung ở hai đầu M và N, ở I hầu như không có điện tích
* Bài 7 trang 14 SGK Vật Lý 11: Hãy giải thích hiện tượng bụi bám chặt vào các cánh quạt trần, mặc dù cánh quạt thường xuyên quay rất nhanh.
> Lời giải:
- Khi cánh quạt quay, chúng cọ sát với không khí, khi đó chúng bị mất Electron và trở thành vật nhiễm điện. Vật nhiễm điện có khả năng hút những vật nhẹ như bụi.
Trên đây KhoiA.Vn đã hướng dẫn các em cách giải một số Bài tập Điện tích, Định luật Cu-lông: Giải bài tập 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 trang 9, 10 SGK Vật lí 11 trong nội dung bài học 1. Hy vọng bài viết giúp các em hiểu rõ hơn. Nếu có câu hỏi hay góp ý các em hãy để lại bình luận dưới bài viết, chúc các em thành công.