Phép nhân hai số nguyên khác dấu, cùng dấu, tính chất phép nhân số nguyên? Toán 6 bài 5 c2cd1

10:36:4509/11/2023

Lý thuyết bài 5, chương 2, SGK Cánh diều tập 1 về Phép nhân hai số nguyên khác dấu, nhân hai số nguyên cùng dấu, tính chất phép nhân số nguyên.

 

Cách Phép nhân hai số nguyên khác nhau, cùng dấu, tính chất phép nhân số nguyên là gì? bài viết này sẽ cho các bạn lời giải đáp.

I.  Phép nhân hai số nguyên khác dấu 

Để nhân hai số nguyên khác dấu, ta làm như sau: 

+ Bước 1. Bỏ dấu “–” trước số nguyên âm, giữ nguyên số nguyên còn lại 

+ Bước 2. Tính tích của hai số nguyên dương nhận được ở Bước 1

+ Bước 3. Thêm dấu “–” trước kết quả nhận được ở Bước 2, ta có tích cần tìm.

* Chú ý: Tích của hai số nguyên khác dấu là số nguyên âm.

* Ví dụ: Nhân các số nguyên sau:

(–6) . 9 = – (6 . 9) = –54 

21 . (–10) = –(21 . 10) = –210 

II. Phép nhân hai số nguyên cùng dấu 

1. Phép nhân hai số nguyên dương

Nhân hai số nguyên dương chính là nhân hai số tự nhiên khác 0. 

* Ví dụ: Thực hiện phép nhân hai số nguyên dương sau:

7 . 5 = 35;

13 . 3 = 39. 

2. Phép nhân hai số nguyên âm

Để nhân hai số nguyên âm, ta làm như sau: 

+ Bước 1: Bỏ dấu “–” trước mỗi số

+ Bước 2: Tính tích của hai số nguyên dương nhận được ở Bước 1, ta có tích cần tìm.

* Chú ý: Tích của hai số nguyên cùng dấu là số nguyên dương. 

* Ví dụ: Thực hiện phép nhân hai số nguyên âm sau:

(–6) . (–9) = 6 . 9 = 54 

(–22) . (–6) = 22 . 6 = 132 

* Chú ý: Cách nhận biết dấu của tích 

(+) . (+) → (+)

(–) . (–) → (+)

(+) . (–) → (–)

(–) . (+) → (–)

III. Tính chất của phép nhân các số nguyên 

Giống như phép nhân các số tự nhiên, phép nhân các số nguyên cũng có các tính chất: giao hoán; kết hợp; nhân với số 1; phân phối của phép nhân đối với phép cộng, phép trừ. 

+ Tính chất giao hoán: a . b = b . a

+ Tính chất kết hợp: (a . b) . c = a . (b . c)

+ Tính chất nhân với số 1: a . 1 = 1 . a = a 

+ Tính chất phân phối của phép nhân đối với phép cộng: a . (b + c) = a . b + a . c

+ Tính chất phân phối của phép nhân đối với phép trừ: a . (b – c) = a . b – a . c

* Chú ý: 

a . 0 = 0 . a = 0

a . b = 0 thì hoặc a = 0 hoặc b = 0

* Ví dụ: Thực hiện, Tính:

a) (– 9) . 4 . (– 5);

b) (– 127 086) . 674 . 0; 

c) (– 4) . 7 + (– 4) . 3.

* Lời giải: 

a) (– 9) . 4 . (– 5) = (– 9) . [4 . (– 5)] = (– 9) . (– 20) = 9 . 20 = 180 

b) (– 127 086) . 674 . 0 = 0 

c) (– 4) . 7 + (– 4) . 3 = (– 4) . (7 + 3) = (– 4) . 10 = – 40 

Trên đây KhoiA.Vn đã trình bày nội dung lý thuyết Phép nhân hai số nguyên khác dấu, cùng dấu, tính chất phép nhân số nguyên? Toán 6 bài 5 SGK Cánh diều tập 1 chương 2 chi tiết, đầy đủ nhất. Nếu có câu hỏi hay góp ý các em hãy để lại bình luận dưới bài viết nhé, chúc các em thành công. 

Đánh giá & nhận xét

captcha
Bài viết khác