Đề tài, tích truyện, nhân vật, lời thoại và phương thức lưu truyền của Tuồng? Ngữ Văn lớp 10

08:29:2008/08/2024

Đề tài, tích truyện, nhân vật, lời thoại và phương thức lưu truyền của Tuồng? là câu hỏi được giải đáp qua nội dung bài 5 SGK Ngữ văn lớp 10 chân trời sáng tạo tập 1.

1. Đề tài của Tuồng

Đề tài: lấy từ đời sống thôn dã, hoặc tích truyện có sẵn, dụng thành những câu chuyện, tình huống hài hước, những nhân vật phản diện hiện thân cho những thói hư tật xấu của một số hạng người trong xã hội phong kiến tiểu nông. Tuồng đồ, do vậy, thiên về trào lộng, phê phán xã hội trên lập trường đạo đức của người bình dân, khác với tuồng pho thường lấy đề tài từ sách, truyện Trung Quốc với cảm hứng anh hùng, đề cao lí tưởng trung quân theo lập trường Nho giáo.

2. Tích truyện của Tuồng

Tích truyện: Các vở tuồng đồ thường được xây dựng dựa trên một câu chuyện hay một tình huống, hành động, sự việc nào đó, thường có sẵn trong kho tàng truyện dân gian, gọi là “tích truyện”. Từ tích truyện này, các tác giả kịch bản viết thành kịch bản tuồng (dưới dạng truyền miệng). Khi trình diễn, nghệ nhân trong các gánh tuồng có thể cải biên ít nhiều cho phù hợp với điều kiện diễn xuất, đối tượng người xem.

3. Nhân vật trong Tuồng

Nhân vật khác với tuồng pho, các loại hình nhân vật phổ biến trong tuồng đồ gần gũi với chèo cổ, cũng bao gồm các vai: kép, đào, mị, lão,... Nhân vật tiêu biểu cho các vai tuồng này thường mang tính góc lệ và tính cách không thay đổi, thể hiện chủ yếu qua lời thoại và hành động của mình. Khi xuất hiện lần đầu, các nhân vật chính thường có lời xung danh (tự giới thiệu danh tính, nghề nghiệp, vị trí xã hội,...). Tính cách, đặc điểm của nhân vật trong tuồng, một phần được biểu đạt qua cách hoá trang, nhất là qua các nét vẽ và màu sắc trên khuôn mặt diễn viên.

 

4. Lời thoại trong Tuồng

Lời thoại trong tuồng cũng có vai trò, đặc điểm như lời thoại trong chèo đã nói ở phần trước. Lời thoại của nhân vật tuồng, chủ yếu là đối thoại có xen độc thoại hay bàng thoại, dưới hình thức nói, ngâm hoặc hát và chủ yếu là văn vần.

5. Phương thức lưu truyền của Tuồng

Phương thức lưu truyền chủ yếu là truyền miệng. Tuồng đồ thường không được ghi chép thành quyển như tuồng pho. Do vậy, mỗi gánh hát tuồng có thể lưu giữ một vốn kịch bản - vở diễn riêng. Hơn nữa, cùng một tích tuồng, nghệ nhân trong các gánh tuồng có thể tạo dựng các lớp tuồng với các mảng miếng, những điểm nhấn và độ co duỗi của vở diễn theo cách riêng của mình.

Tác phẩm khuyết danh là những sáng tác không có tên tác giả (ẩn danh).

Trên đây KhoiA.Vn đã cùng các em trả lời câu hỏi: Đề tài, tích truyện, nhân vật, lời thoại và phương thức lưu truyền của Tuồng? Ngữ Văn lớp 10. Nếu có câu hỏi hay góp ý các em hãy để lại bình luận dưới bài viết nhé, chúc các em thành công.

Đánh giá & nhận xét

captcha