Vần, nhịp và vai trò của vần, nhịp trong thơ là gì? ví dụ? là câu hỏi sẽ được giải đáp qua nội dung bài 1 SGK Ngữ văn lớp 7 chân trời sáng tạo tập 1.
Vần trong thơ Việt Nam gồm vần chân và vần lưng.
Vần chân (hay cước vận) là vần được gieo vào cuối dòng thơ, nghĩa là các tiếng ở cuối dòng vần với nhau. Vần chân là hình thức gieo vần phổ biến nhất trong thơ.
* Ví dụ:
Tiền đàn bầu của ta
Lời đằm thắm thiết tha
Cung thanh là cung mẹ
Cung trầm như giọng cha
(Lữ Giang, Đàn bầu)
Vần lưng (hay yêu vận) là vần được gieo ở giữa dòng thơ, nghĩa là tiếng cuối của dòng trên vần với một tiếng nằm giữa dòng dưới hoặc các tiếng trong cùng một dòng thơ hiệp vần với nhau.
* Ví dụ:
Chúng em trong bản nhỏ
Phơi thật nhiều cỏ thơm
Để mùa đông đem tặng
Ngựa biên phòng yêu thương
(Phan Thị Thanh Nhàn, Ngựa biên phòng)
Cánh diều no gió
Tiếng nó chơi vơi
Diều là hạt cau
Phơi trên nong trời
(Trần Đăng Khoa, Thả diều)
Vần trong thơ có vai trò liên kết các dòng và câu thơ, đánh dấu nhịp thơ, tạo nhạc điệu, sự hài hòa, sức âm vang cho thơ, đồng thời làm cho dòng thơ, câu thơ dễ nhớ, dễ thuộc.
Nhịp thơ được biểu hiện ở chỗ ngắt chia dòng và câu thơ thành từng vế hoặc ở cách xuống dòng (ngắt dòng) đều đặn cuối mỗi dòng thơ. Nhịp thơ có tác dụng tạo tiết tấu, làm nên nhạc điệu của bài thơ, đồng thời cũng góp phần biểu đạt nội dung thơ.
* Ví du:
Chú bé/ loắt chắt
Cái xắc/ xinh xinh
Cái chân/ thoăn thoắt
Cái đầu/ nghênh nghênh
(Tố Hữu, Lượm)
Cách ngắt nhịp ngắn 2/2 của từng dòng thơ và ngắt ở cuối mỗi dòng thơ trong ví dụ trên góp phần tạo nên tiết tấu rộn ràng, vui tươi cho đoạn thơ, gợi lên hình ảnh hồn nhiên, hoạt bát của chú bé Lượm.
Trên đây KhoiA.Vn đã cùng các em trả lời câu hỏi: Vần, nhịp và vai trò của vần, nhịp trong thơ là gì? Ví dụ? Ngữ Văn lớp 7. Nếu có câu hỏi hay góp ý các em hãy để lại bình luận dưới bài viết nhé, chúc các em thành công.