Đề tài, tích truyện (cốt truyện), nhân vật, cấu trúc và lời thoại trong chèo cổ? Ngữ Văn lớp 10

08:16:1408/08/2024

Đề tài, tích truyện (cốt truyện), nhân vật, cấu trúc và lời thoại trong chèo cổ? là câu hỏi được giải đáp qua nội dung bài 5 SGK Ngữ văn lớp 10 chân trời sáng tạo tập 1.

1. Đề tài của chèo cổ

Đề tài của chèo cổ thường xoay quanh vấn đề giáo dục cách sống, cách ứng xử giữa người với người theo quan điểm đạo lí dân gian hoặc theo tư tưởng Nho giáo.

2. Tích truyện (cốt truyện) của chèo cổ

Tích truyện (cốt truyện) là chất liệu xây dựng nên cốt truyện của chèo. Thường là các nhân vật, hành động, sự việc có sẵn trong kho tàng truyện cổ dân gian hoặc trong dã sử được khai thác và tổ chức lại theo nguyên tắc kịch hay xung đột. Từ các tích truyện này, các tác giả kịch bản – thường là giới nho sĩ– viết thành kịch bản chèo để truyền bá những tín điều của tư tưởng Nho giáo. Tuy nhiên, qua quá trình ứng tác, biểu diễn, nhiều chủ đề truyền thống bị làm mờ đi, nhường chỗ cho những khát vọng nhân bản hơn, vượt ra ngoài giáo lí Nho học truyền thống.

3. Nhân vật trong chèo cổ

Các loại hình nhân vật phổ biến của chèo bao gồm kép, đào,hề, mụ, lão. Kép (nam chính) thường là các sĩ tử chân chính, hiếu học; đào (nữ chính) bao gồm đào thương (những phụ nữ trung trinh tiết liệt), đào lệch hay còn gọi là đào lẳng (những phụ nữ nổi loạn, đi ngược lại quan điểm đạo đức phong kiến), đào pha (trung gian giữa hai loại vai đào thương và đào lệch); hề nhân vật hài hước, gây cười), mị (nhân vật nữ lớn tuổi); lão (nhân vật nam lớn tuổi). Nhân vật trong chèo thường mang tính ước lệ với tính cách không thay đổi.

4. Cấu trúc của chèo cổ

Cũng như các loại hình sân khấu khác, cấu trúc của một vở chèo bao gồm nhiều màn và cảnh, mỗi màn và cảnh thường xảy ra trong một khung thời gian và không gian khác nhau. Mỗi cảnh đóng vai trò như một bộ phận kiến tạo nên các giai đoạn của cốt truyện: khai mở, thắt nút, đỉnh điểm, mở nút.

5. Lời thoại trong chèo cổ

- Trong chèo không có lời người kể chuyện, chỉ có các lời thoại. Lời thoại đảm nhiệm mọi vai trò: dẫn dắt xung đột, diễn tả hành động, khắc hoạ nhân vật, bối cảnh (không gian, thời gian), đồng thời gián tiếp thể hiện tình cảm của tác giả dân gian.

- Lời thoại trong chèo cổ bao gồm lời thoại của nhân vật và tiếng đế. Lời thoại của nhân vật thường có các hình thức đối thoại (lời các nhân vật nói với nhau), độc thoại (lời nhân vật nói với chính mình), bàng thoại (lời nhân vật nói với khán giả). Tiếng để là lời của đại diện khán giả chen vào, đệm vào lời của nhân vật dưới dạng câu hỏi hoặc bình luận ngắn, chủ yếu để kích thích nhân vật bộc lộ khi diễn.

- Về hình thức, lời thoại của nhân vật trong chèo bao gồm lời nói, lời hát – nói (tức nói theo âm điệu) và lời hát (theo các làn điệu dân ca).

Trên đây KhoiA.Vn đã cùng các em trả lời câu hỏi: Đề tài, tích truyện (cốt truyện), nhân vật, cấu trúc và lời thoại trong chèo cổ? Ngữ Văn lớp 10. Nếu có câu hỏi hay góp ý các em hãy để lại bình luận dưới bài viết nhé, chúc các em thành công.

Đánh giá & nhận xét

captcha